Đề Kiểm Tra Học Kỳ 1 Ngữ Văn 10 Kết Nối Tri Thức Có Đáp Án-Đề 10

0
2098

Đề kiểm tra học kỳ 1 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức có đáp án-Đề 10 được soạn dưới dạng file word và PDF gồm 4 trang. Các bạn xem và tải về ở dưới.

Phần I. Đọc hiểu (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

ĐÒ LÈN

Nguyễn Duy

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua, xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần
cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm

Bom Mỹ giội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn

Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.

(Ánh trăng , NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1984)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.

  1. Biểu cảm.
  2. Tự sự.
  3. Nghị luận.
  4. Thuyết minh.

Câu 2. Đọc bài thơ, anh/ chị liên tưởng đến bài thơ nào đã học sau đây?

  1. Sang thu (Hữu Thỉnh).
  2. Bếp lửa (Bằng Việt).
  3. Nói với con (Y Phương).
  4. Đồng chí (Chính Hữu).

Câu 3. Dựa vào nội dung bài thơ, hãy cho biết hoàn cảnh ra đời tác phẩm.

  1. Khi đi công tác, nhà thơ nghe tin bà mất mà xúc động viết bài thơ này.
  2. Trở về quê hương, nhà thơ đứng trước mộ phần của bà mà xúc động viết bài thơ này.
  3. Khi nhà thơ tham gia kháng chiến, nhớ về quê hương và người bà của mình và viết bài thơ này.
  4. Khi nhà thơ sống và công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, ông nhớ về quê hương và người bà của mình mà viết bài thơ này.

Câu 4. Xác định nhân vật trữ tình của bài thơ.

  1. Bà.
  2. Tôi.
  3. Tiên, Phật, thánh, thần.
  4. Cô đồng.

Câu 5.  Những kỉ niệm tuổi thơ nào được tác giả nhắc đến trong bài thơ?

A. Câu cá, bắt chim, chơi ô ăn quan, trộm nhãn.

B. Câu cá, bắt chim, chơi ô ăn quan, lên chơi đền Cây Thị.

C. Câu cá, bắt chim, níu váy bà đi chợ, trộm nhãn.

D. Câu cá, bắt chim, hát đồng dao, đi xem lễ đền Sòng.

Câu 6. Những kỉ niệm nào trong kí ức cho thấy tác giả có một tuổi thơ tinh nghịch đáng yêu?

A. Ra cống Na câu cá, níu váy bà đi chợ Bình Lâm.

B. Bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật, ăn trộm nhãn chùa Trần.

C. Lên chơi đền Cây Thị, xem lễ đền Sòng.

D. Níu váy bà đi chợ, ăn trộm nhãn chùa Trần.

Câu 7. Từ láy thập thững trong câu thơ: “Quán cháo Đồng Giao thập thững những đêm hàn” gợi hình dung về điều gì sau đây?

  1. Hình ảnh người bà đơn độc đi trong đêm tối, gió lạnh.
  2. Con đường bà đi chợ trơn trượt, mấp mô.
  3. Hình ảnh người bà với sức khỏe yếu ớt mà phải gánh hàng nặng nhọc.
  4. Hình ảnh người bà bước cao, bước thấp, mò mẫm trên con đường gồ ghề.

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Hình ảnh người bà hiện lên trong kí ức của nhà thơ như thế nào?

Câu 9. thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn

Anh/Chị hiểu như thế nào về hai dòng thơ trên?

Câu 10. Bài thơ để lại cho anh/chị bài học gì trong ứng xử với những người thân yêu, ruột thịt?

Phần II. Viết (4,0 điểm)

Bà bán rau

Đôi vợ chồng dừng lại trước tín hiệu đèn đỏ. Tín hiệu báo còn 60 giây. Tan tầm mọi người mệt mỏi chen nhau để nhanh chóng về nhà. Anh chồng nhìn ngang, nhìn dọc giết thời gian. Cô vợ ngồi sau cằn nhằn: “Lại kẹt xe!”.

Bất chợt trong mớ âm thanh ồn ào, anh chồng nghe một giọng nói yếu ớt vang lên ngay cạnh mình. Anh nhìn lại. Là một bà lão bê giỏ rau muống. “Cô chú mua giùm tôi ít rau để tôi có tiền đi xe buýt về”.

Cô vợ bĩu môi: “Rau vừa già vừa héo thế mang về cho lợn ăn à?”.

Anh chồng thoáng lặng đi, nhẹ nhàng: “Bà cho con mua hết số rau này nhé!”. Trên đường về, cô vợ liên tục cằn nhằn.

Vào đến nhà, anh chồng kéo cô vợ đến trước bàn thờ, nói to: “Vì ngày xưa mẹ cũng bán rau như thế để nuôi anh được như hôm nay”.

(Trần Trà My – https://www.phunuonline.com.vn , 12/06/2017)

Phân tích nhân vật người chồng trong câu chuyện trên.

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN

Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 6,0
1 A 0,5
2 B 0,5
3 B 0,5
4 B 0,5
5 C 0,5
6 B 0,5
7 D 0,5
8 Hình ảnh người bà hiện lên trong kí ức của nhà thơ :

– Vất vả, tần tảo, lam lũ;

– Giàu tình yêu thương và đức hy sinh.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh chỉ trả lời một trong hai ý 0,5 điểm.

* Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lý là chấp nhận được.

1,0
9 thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
Hiểu hai dòng thơ trên:- Trong cái ác liệt của chiến tranh, người cháu không tìm thấy chỗ dựa tinh thần ở thánh Phật. Sự bình yên được níu giữ lại bằng hình ảnh kiên cường, bình thản của người bà.- Trong tâm thức người cháu, bà bé nhỏ, đời thường mà vĩ đại.Hướng dẫn chấm:– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 0.5 điểm.

– Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,25

0,5
10 Bài học trong ứng xử với những người thân yêu, ruột thịt được gợi ra từ văn bản thơ:

Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau miễn là suy nghĩ tích cực, hợp lí, thuyết phục. Giám khảo cần linh hoạt khi chấm. Sau đây là một số gợi ý :

– Yêu thương, kính trọng, biết ơn.

– Những người thân yêu, ruột thịt chỉ sống với ta một quãng ngắn trong đời. Vì vậy sống làm sao để không phải ân hận, day dứt.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời có nội dung phù hợp, thuyết phục, diễn đạt tốt : 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời có nội dung phù hợp, thuyết phục, diễn đạt chưa tốt : 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời : 0,0 điểm.

1,0
II VIẾT 4,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Nhân vật người chồng trong câu chuyện

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,25 điểm.

– Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm.

0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới:

– Người chồng trong câu chuyện là người biết quan tâm, đồng cảm sẻ chia với những người xung quanh.

– Người chồng trong câu chuyện là người con hiếu thảo.

Hướng dẫn chấm:

– Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,0 điểm.

– Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1,0 điểm – 1,75 điểm.

– Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 0,75 điểm.

2,0
– Đánh giá chung:

+ Nội dung : Nhân vật để lại cho người đọc một ấn tượng tốt đẹp về cách ứng xử nhân ái giữa con người và con người trong đời sống, đặc biệt là lòng biết ơn sâu sắc công dưỡng dục của mẹ cha.

+ Nghệ thuật: Cốt truyện đơn giản mà được tổ chức hợp lí, ngôn ngữ kể chuyện gần gũi, khắc họa nhân vật chân thật,…

Hướng dẫn chấm:

– Trình bày được 2 ý: 0,5 điểm.

– Trình bày được 1 ý; 0,25 điểm.

0,5
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,5
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,5
I + II 10,0
ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN
Đề Kiểm Tra Học Kỳ 1 Ngữ Văn 10 Kết Nối Tri Thức Có Đáp Án-Đề 10
Bài trướcĐề Kiểm Tra Học Kỳ 1 Văn 10 Kết Nối Tri Thức Có Đáp Án-Đề 9
Bài tiếp theo10 Đề Kiểm Tra Cuối Học Kỳ 1 Ngữ Văn 10 Năm 2023-2024 Có Đáp Án
de-kiem-tra-hoc-ky-1-ngu-van-10-ket-noi-tri-thuc-co-dap-an-de-10Đề kiểm tra học kỳ 1 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức có đáp án-Đề 10 rất hay. Các bạn tham khảo và ôn tập chuẩn bị cho kỳ kiểm tra học kỳ 1 sắp đến.
Nhận thông báo qua email
Thông báo cho
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments